[Bạn đọc cảm nhận] Quo vadis - Những vì tinh tú
[BẠN ĐỌC CẢM NHẬN] QUO VADIS - NHỮNG VÌ TINH TÚ
“Quo Vadis” là một kiệt tác vĩ đại, đồ sộ, choáng ngợp, thực sự không thể diễn đạt chỉ bằng hai từ “tuyệt vời”. Sức hấp dẫn đến mê hoặc của “Quo Vadis” không chỉ đến từ cốt truyện mang tính sử thi mà còn đến từ hệ thống nhân vật vô cùng đặc sắc và độc đáo.
Nhìn lại lịch sử, đế quốc La Mã dưới thời kỳ bạo chúa Nero trị vì bị tín ngưỡng Đa thần giáo chi phối. Các nhà nghiên cứu tôn giáo gọi hệ thống tín ngưỡng Đa thần giáo này là “Tôn giáo của cá nhân”. Bởi sao lại gọi vậy? Bởi dấu ấn của các vị thần La Mã xuất hiện trong mọi suy tưởng, hành động, mọi lĩnh vực, ngành nghề, mọi cảm xúc, mọi tiêu chuẩn đạo đức vv..
Hệ thống nhân vật đặc sắc trong “Quo Vadis” bởi vậy cũng không thể không thấp thoáng bóng dáng biểu tượng của các vị thần La Mã, tôi xin được đưa ra vài ví dụ:
+ Thần Mars (hay Ares): Marcus Vinicius là một sĩ quan cao cấp và là một quý tộc La Mã. Trong tác phẩm, không ít lần Henryk Sienkiewicz đã mô tả thân hình như tượng tạc, sự dũng mãnh thiện chiến, tính cách nóng nảy của Vinicius chính là hiện thân của thần chiến tranh.
+ Thần Latone (hay Apollon): Gaius Petronius được biết đến với danh hiệu là "người điều tiết lịch lãm", vốn là cựu thống đốc của Bythinia. Petronius là thành viên của triều đình Nero. Ông dùng sự khôn ngoan của mình vừa nịnh bợ vừa châm chọc Nero. Petronius tài hoa, duy mỹ khiến ta không thể không liên tưởng tới Latone vị thần của âm nhạc và thơ ca.
+ Thần Bacchus (hay Dionysos): Dĩ nhiên bạo chúa Nero muốn mình là hiện thân của Latone nhưng trên thực tế ông ta thực sự giống Bacchus hơn bởi theo ông ta luôn là những đám rước hoàng tráng, rùm beng và lố lăng cùng với những cuộc ăn chơi sa đọa, thác loạn, quên trời, quên đất.
+ Thần Junon (hay Hera): Poppaea Sabina, là vợ của bạo chúa Nero, nàng là biểu tượng của sắc đẹp đương thời. Tuy nhiên giống như Junon nàng ta đa nghi, nổi danh với những chiêu trò ghen tuông, trả thù ghê gớm.
+ Thần Mercures (hay Hermex): Chilon Chilonides là một kẻ bịp bợm và là một thám tử tư. Ông được Marcus mướn đi tìm thánh nữ Ligia. Nếu Mercures trong thần thoại được mô tả là “tên tay sai đắc lực”, “kẻ thừa hành cần mẫn cho các thế lực xấu xa” thì Chilon cũng vừa vặn như in với những lời mô tả đó. Trong “Quo Vadis” những trường đoạn Chilon xảo quyệt cầu nguyện, mặc cả và thậm chí lừa lọc thậm chí cả thần Mercures hẳn vô cùng ấn tượng khiến bạn đọc không thể nào quên.
+ Thần Ceres (hay Demeter): Claudia Acte là một nô lệ và từng là người tình của Nero. Nero đã chán và quên lãng Claudia, nhưng bà vẫn còn yêu ông. Acte trong tác phẩm yêu mến và nhiệt thành giúp đỡ thánh nữ Ligia khi nàng bị giam lỏng trong hoàng cung khiến bạn đọc không thể không liên tưởng đến huyền thoại xúc động về tình mẹ con giữa Ceres và đứa con gái bị chúa tể địa ngục bắt cóc Proserpine (hay Persephone).
+ Thần Hercule (hay Heracles): Ursus là người bảo vệ thánh nữ Ligia. Ông rất trung thành với công chúa của mình. Sở hữu tầm vóc kỳ vĩ và thần lực hơn người, Ursus đã làm nên những điều phi thường ngoài sức tưởng tượng của con người, giống như Hercule với 12 kỳ công vĩ đại. Cũng giống Hercule lỡ tay giết thày dạy nhạc, Ursus cũng từng lỡ tay giết người khi cứu công chúa của mình và tội lỗi đó khiến ông không ngừng ăn năn trước Thiên Chúa.
Và bởi ở La Mã các vì sao được đặt theo tên của các vị thần nên tôi đã đặt tên bài viết là “Những vì tinh tú”.
©️ Bài viết của bạn Đặng Xuân Lương.
Ghé qua ĐÂY để mua ngay Quo vadis với giá ưu đãi nhé!