Giỏ hàng của bạn

Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường (Tặng tranh giấy dó kích thước 14.8 x 20.5 cm. Số lượng có hạn)

Thương hiệu: Đông A
| |
Mã SP: 8936203362206
|
120,000₫ 160,000₫
Hotline hỗ trợ: 02438569367
|
Số lượng

THÔNG TIN ẤN PHẨM:

Tác giả: Thạch Lam
Minh hoạ: Đào Hải Phong
Kích thước: 16 x 24cm
Số trang: 252
Giá bìa: 160.000đ
Khối lượng: 500gr
Hình thức bìa: Bìa mềm
Mã sản phẩm: 8936203362206
Mã ISBN: 978-604-372-352-6
Sách do Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A và NXB Văn học liên kết ấn hành
Phát hành: 07/2022


NỘI DUNG SÁCH:

Không mộng mơ lãng đãng như Nhất Linh, Khái Hưng, không dữ dội giằng xé như Nam Cao, Ngô Tất Tố, không chua chát giễu đời như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… Thạch Lam đã rẽ một lối rất riêng trong văn chương, qua mọi nẻo trần ai và để lại dấu ấn tuy nhỏ nhẹ, thanh lịch, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự thâm trầm, sâu sắc.

Trong cuốn sách này, Đông A và Nhà xuất bản Văn học giới thiệu đến bạn đọc hai tác phẩm ở giai đoạn đầu và cuối sự nghiệp sáng tác ngắn ngủi mà tài hoa của Thạch Lam: Tập truyện ngắn Gió đầu mùa và tùy bút Hà-nội băm sáu phố phường. Phần văn bản của tập truyện ngắn Gió đầu mùa được thực hiện theo bản in lần đầu năm 1937 của nhà xuất bản Đời Nay, với Lời tựa do nhà văn Khái Hưng viết. Còn phần văn bản của tùy bút Hà-nội băm sáu phố phường được thực hiện theo bản in đầu tiên năm 1943 của nhà xuất bản Đời Nay, cũng do Khái Hưng viết Lời tựa. Hy vọng rằng, nỗ lực truy nguyên tác phẩm của người làm sách có thể đem lại chút cảm xúc kết nối giữa người đọc với những sáng tác từ gần một thế kỷ trước.

Các minh họa trong ấn phẩm được thực hiện bởi họa sĩ Đào Hải Phong – người đã xây dựng một phong cách riêng khó lẫn trong hội họa Việt Nam đương đại. Hà Nội hiện ra trong tranh Đào Hải Phong vừa quen thuộc vừa mới lạ, kiêu hãnh thâm trầm nhưng cũng đầy sinh khí. Minh họa của họa sĩ đồng điệu với văn chương Thạch Lam ở nét thanh lịch dịu dàng và tình yêu chân thành, tha thiết dành cho cảnh vật, con người, những giá trị đẹp đẽ và cao quý.

Mong rằng tập sách nhỏ này sẽ chạm đến cảm xúc của bạn, không những giúp bạn mường tượng rõ hơn về chân dung văn học của một trong những tác giả nổi bật nhất trên văn đàn Việt Nam thế kỷ XX, mà còn khơi tỏ thêm tình yêu quê hương, đất nước, con người, như cái cách mà những người nghệ sĩ đã yêu.

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:

Thạch Lam (1910 - 1942) tên thật là Nguyễn Tường Vinh, là nhà văn Việt Nam nổi tiếng thời tiền chiến. Trong 32 năm tại thế ngắn ngủi, Thạch Lam đã lưu lại dấu ấn không thể phai mờ trên văn đàn. Sau khi đỗ Tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam thôi học, bắt đầu làm báo và trở thành thành viên chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn, bên cạnh hai người anh trai là nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo. Ban đầu, Thạch Lam phụ trách biên tập cho hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay của văn đoàn, về sau trở thành chủ bút của tờ Ngày nay. Cuối thập niên 1930, Thạch Lam ra mắt các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), và truyện dài Ngày mới (1939). Văn phong Thạch Lam nổi bật với những câu chữ dịu dàng, tình cảm, thâm trầm và sâu sắc. Ngòi bút Thạch Lam hướng đến những phận đời đau khổ trong xã hội, đặc biệt là những nỗi đau về mặt tinh thần của người trí thức trong xã hội Việt Nam trước năm 1945. Ngoài sở trường truyện ngắn, Thạch Lam còn viết bình luận văn học với tập Theo giòng (1941). Tùy bút Hà-nội băm sáu phố phường của Thạch Lam được nhà xuất bản Đời Nay in năm 1943, một năm sau khi tác giả mất vì căn bệnh lao phổi.

MỘT SỐ NHẬN XÉT:

“Ngay trong tác phẩm đầu tay [Gió đầu mùa], người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng... Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp... Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy.” - Nhà văn Vũ Ngọc Phan

“Cuốn Hà Nội băm sáu phố phường có phong vị đậm đà của quê hương xứ sở, lại rất gợi cảm. Văn Thạch Lam nhẹ nhàng, giàu chất thơ, sâu sắc, thâm trầm, thường để lại một ấn tượng ngậm ngùi, thương xót.” - Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam

“Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc… Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tầng trải về sự đời.” - Nhà văn Nguyễn Tuân

“Thạch Lam yêu sự sống hơn bất kỳ ai. Anh quý từ cốc nước chè tươi nóng, trang trọng đưa lên miệng uống một cách gần như thành kính... như thể cảm ơn trời đất đã cho mình sống để thưởng thức ngon lành như vậy... Anh là một người độc đáo có tài lại khiêm nhường, người nhỏ mà nhân cách lớn...” - Nhà văn Vũ Bằng