Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Bộ 5 tập, in lần thứ 10, hiệu chỉnh đầy đủ theo bản gốc, bao gồm 201 truyện chính kèm phần nghiên cứu và khảo dị)
NỘI DUNG SÁCH:
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập, là công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, đồng thời là bộ sưu tập truyện cổ tích, gồm 201 truyện được kể vô cùng hấp dẫn, sinh động. Bộ sách được biên soạn và in xong trong thời gian 25 năm tính từ năm 1957 in tập 1 đến năm 1982 công bố trọn vẹn 5 tập; gồm 3 phần:
Phần đầu, tìm hiểu về bản chất, lai lịch và lịch sử phát triển của truyện cổ nói chung và cổ tích nói riêng.
Phần thứ hai, chiếm dung lượng lớn là 201 truyện cổ tích Việt Nam đã được tuyển chọn và sắp đặt theo hệ thống nhất định, kèm các dị bản. Phần Khảo dị so sánh các điểm dị biệt giữa các truyện chính với hàng trăm truyện cổ dân gian Đông Tây khác, mang đến một góc nhìn tổng quan về hệ thống truyện cổ dân gian vô cùng phong phú của nhân loại.
Tập 1: Nguồn gốc sự vật; Sự tích đất nước Việt; Sự tích các câu ví
Tập 2: Sự tích các câu ví (tiếp theo); Thông minh tài trí và sức khỏe
Tập 3: Sự tích anh hùng nông dân; Truyện phân xử; Truyện thần tiên, ma quỷ và phù phép
Tập 4: Truyện thần tiên, ma quỷ và phù phép (tiếp theo); Truyện đền ơn trả oán; Tình bạn, tình yêu và nghĩa vụ
Tập 5: Tình bạn, tình yêu và nghĩa vụ (tiếp theo); Truyện vui tươi dí dỏm.
Phần cuối là những nhận xét sơ bộ về nguồn gốc, con đường lưu chuyển, đặc điểm tư tưởng, nghệ thuật, qua đó đánh giá tổng quát truyện cổ tích Việt Nam.
Bản in lần thứ 10 có những điểm đáng chú ý như sau:
- Nội dung được chỉnh lý kỹ lưỡng bởi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, con trai của tác giả Nguyễn Đổng Chi, so với những lần in trước đây.
- Chuyển phần tên riêng nước ngoài bằng tên nguyên gốc, với các ngôn ngữ không dùng chữ Latinh thì thay bằng chuyển tự Latin.
- Bổ sung minh họa của hai họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn và Phạm Ngọc Tân.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:
GS Nguyễn Đổng Chi quê ở Hà Tĩnh, sinh tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), là con nhà giáo có đức độ và uy vọng Nguyễn Hiệt Chi, từng là đồng sáng lập trường Trường Dục Thanh.
Với cuộc đời từng trải và hơn 50 năm cầm bút, sự nghiệp của ông trải rộng từ sáng tác văn học, nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán - Nôm, khảo cổ…, ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp lớn. Cống hiến nổi bật hơn cả của ông là ở lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Ông được xem là một trong những nhà văn hóa dân gian hàng đầu, là người đầu tiên xâu chuỗi các motif truyện cổ tích Việt Nam với cổ tích của nhiều nước. Tác phẩm Kho tàng cổ tích Việt Nam được đánh giá là “công trình nghiên cứu folklore đã trở thành cổ điển”.
Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang có đường phố mang tên ông.
NHẬN XÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM:
“200 truyện cổ mà ông tìm tòi, xây dựng, sàng đi lọc lại, với một phong cách ngôn ngữ riêng, giản dị, truyền cảm, với sự khảo dị so sánh rất dày công kho tàng truyện cổ đồ sộ trên thế giới, có thể nói đúng là kho tàng mang rõ nét tâm hồn Việt Nam, kết tinh những gì tiêu biểu cho tư duy nghệ thuật tự sự dân gian Việt Nam, qua phong cách kể chuyện truyền cảm, sinh động, dí dỏm, mà nhiều nhà nghiên cứu folklore như Lê Văn Hảo, Vũ Ngọc Khánh, Tạ Phong Châu đều thống nhất đánh giá rất cao.” - Nguyễn Chung Anh
“Nguyễn Đổng Chi có cái tư chất của một nhà văn biết ghi lại trung thành niềm hứng khởi, nét ngây thơ và sự cảm động của người kể chuyện và nhà thơ dân gian. Một số truyện dưới ngòi bút của ông, đã trở thành những kiệt tác ngắn gọn và tinh khiết, ở đó sự hiện diện của chất thơ và chất hiện thực được hòa tan vào nhau trong một thể thống nhất.” - TS Lê Văn Hảo
“Cách kể của anh hồn nhiên mà sinh động, có ít nhiều vẻ dân dã và phong cách cổ. Ở những trang mở đầu và kết luận bộ Kho tàng, anh đã lưu ý đến những đặc trưng của cổ tích: Tính chất cổ của sự việc, của hình tượng, bản sắc dân tộc của câu chuyện, và trình độ tư tưởng và nghệ thuật cao trong đối sánh với các loại hình tự sự dân gian khác. Khi kể chuyện, anh đã tỏ ra tôn trọng những đặc điểm mà anh nêu ra. Đồng thời, anh vẫn có tư cách của một nhà văn. Cách kể của anh mộc mạc, có vẻ biến hóa, và điều đáng quý hơn cả: rất đáng tin” – PGS Vũ Ngọc Khánh.