Dù Google còn không có khái niệm Sách Tết, nhưng làm ấn phẩm này lại là một mạo hiểm
(Tổ Quốc) - Năm 2018 đã sắp khép lại, đời sống văn học "bỗng dưng" đón chào một ấn phẩm khá lạ mang tên Sách Tết. Trong khi độc giả trẻ hân hoan đón chào Sách Tết nhưng đơn vị xuất bản lại thẳng thắn cho rằng đó là một… mạo hiểm.
Sách Tết dường như chỉ những người già và nhà sưu tập biết đến?
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, năm nay ông đã 70 tuổi nhưng khái niệm "Sách Tết" khá xa vời. Phần lớn ông chỉ biết đến "báo tết", còn sách tết thì theo trí nhớ và hiểu biết của ông, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước thì có sách tết. Khi đó quyển sách gần như tờ báo và các tác phẩm trong đó đem lại cảm giác vui, đậm tinh thần Tết: thơ vui, truyện vui hoặc cũng có bài lãng mạn, hơi man mác buồn.
Còn nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Dịu thì cũng khẳng định, bản thân ông tra google và không thấy có khái niệm "Sách tết". Tuy nhiên, nếu tìm đọc sách cũ trong Thư viện quốc gia thì có sách tết.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc NXB Văn học (từ trái qua)
Đặt câu hỏi về "sách tết" đối với các độc giả trẻ thì phần lớn câu trả lời của họ là không biết, hoặc khá mù mờ. Độc giả trẻ chủ yếu chỉ biết món ăn tinh thần trong ngày tết là báo tết hay một vài cuốn sách tuyển tập văn chương của các nhà xuất bản kiểu Văn mới, tuyển tập truyện ngắn năm.
Sách Xem Tết năm Kỷ Tỵ (1929) của Tân Dân Thư Quán. Ảnh: Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Hoài Nam
Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Hoài Nam cho rằng có thể xem cuốn Sách Xem Tết năm Mậu Thìn 1928 của Tân Dân Thư Quán mở lối tiên phong cho loại ấn phẩm này ra đời trong lịch sử xuất bản nước ta. Theo đó, Sách Xem Tết về hình thức có khổ như cuốn sách bình thường, không có phụ bản minh họa, số trang cũng không cố định. Còn về nội dung, chủ yếu có hai mảng văn hài đàm và thơ vui, xen vào giữa có trang quảng cáo và giới thiệu sách với mục đích mang lại cho độc giả tiếng cười sảng khoái, những câu chuyện lời thơ giải trí nhẹ nhàng dí dỏm vào ngày đầu năm mới.
Sách Tết Kỷ Hợi 2019
Từ các nguồn tài liệu có trong tay và đang lưu giữ, nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Hoài Nam cho biết thêm, ngoài Sách Xem Tết của Tân Dân Thư Quán năm 1928 thì còn có khá nhiều ấn phẩm về sách tết khác nữa ra đời như: Sách Xem Tết chào xuân Quý Dậu 1933 của Tùng Khánh, in tại nhà in Cao Bình – Chợ Lớn, Sách Xuân năm Đinh Sửu 1937 in tại nhà in Mekong – Sa Đéc… cho đến Sách Xuân Mậu Tuất năm 1958 của NXB Xây dựng được cho là lần cuối cùng sách tết xuất hiện từ đó đến nay.
Làm Sách Tết là mạo hiểm nhưng vẫn thực hiện
Như vậy, nếu coi cuốn Sách Tết cuối cùng xuất hiện từ năm 1958 thì đến nay, sau 60 năm bị ngắt quãng, cuốn Sách Tết mới nhất ra đời vào tháng cuối của năm 2018 dành cho Tết Kỷ Hợi 2019 được coi là một sự trở lại đầy bất ngờ với độc giả đương đại và độc giả trẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến – người có nhạc phẩm Chúc mừng năm mới trong Sách Tết Kỷ Hợi 2019 cho rằng đây là một ấn phẩm đặc biệt, khác hẳn với báo Tết, thiên về phóng sự, sự kiện. Còn Sách Tết đương đại mang đến nhạc sĩ "Bà tôi" cảm giác đầu tiên là xem tranh, thấy rất đẹp. Sau đó là bất ngờ với tuyển tập cả văn, thơ, nhạc, họa tương đối toàn bích. Vị nhạc sĩ này cho rằng Sách Tết mở ra truyền thống mới, trào lưu mới để những nhà làm sách tiếp tục cho ra đời những cuốn sách tết.
Minh họa trong cuốn sách Sách Tết Kỷ Hợi 2019. Ảnh chụp lại
Còn nhà nghiên cứu Trịnh Bách bày tỏ niềm vui và cho rằng Sách Tết sẽ khuyến khích văn hóa đọc. Ông cũng tiết lộ, trước thông tin cuốn Sách Tết tái ngộ độc giả đương đại sau 60 năm bị ngắt quãng, các bạn trẻ nói về ấn phẩm này nhiều lắm khiến bản thân ông rất vui và cũng rất bất ngờ.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến mong muốn các năm sau Sách Tết tiếp tục được đến với độc giả để nối dài truyền thống tốt đẹp này. Bên cạnh đó, nhạc sĩ còn "hiến kế" cho đơn vị làm sách rằng có thể dùng chất liệu giấy tốt hơn, thậm chí mỗi tác phẩm in có thể có răng cưa để độc giả dễ dàng tách ra mang đi gửi tặng bạn bè, người thân như một món quà nhỏ, đầy ý nghĩa "chắp cánh bay đi đến với mọi người". Bởi vì theo người nhạc sĩ tài hoa này thì ngoài những bài thơ hay, Sách Tết năm nay còn có những bức minh họa đẹp không thua kém gì những tác phẩm hội họa nghệ thuật, hoàn toàn có thể đứng độc lập thành một tác phẩm hội họa.
Một minh họa khác trong Sách Tết Kỷ Hợi 2019, Ảnh chụp lại
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến nói thêm rằng, một cuốn sách in đẹp như Sách Tết 2018 có mức giá rất "chấp nhận được", và chỉ bằng nửa gói quà nhỏ, người ta có thể mua tặng nhau dịp Tết.
Tuy nhiên, bên cạnh những mong muốn đẹp đẽ đó thì những người làm Sách Tết vẫn không tránh khỏi những băn khoăn. Nhà văn Hồ Anh Thái, người tuyển tập cuốn sách cho rằng nếu được người đọc quan tâm thì năm sau sẽ làm tiếp.
Còn ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc Nhà xuất bản Văn học thì không ngần ngại chia sẻ làm Sách Tết là sáng kiến "mạo hiểm" giữa thời buổi có quá nhiều loại hình giải trí cạnh tranh. Tuy nhiên, lý do mà năm nay NXB vẫn in Sách Tết vì muốn mang đến Tết xưa trong Tết nay.
Ảnh minh họa một bài thơ trong Sách Tết Kỷ Hợi 2019. Ảnh chụp lại
Giám đốc NXB Văn học nhấn mạnh, ông cảm thấy hình như càng ngày càng thấy không khí Tết không được ấm cúng, không được như phong vị ngày xưa. Ông là người cực lực phản đối Tết là đi du lịch, Tết xa nhà. Tết phải là sum vầy, đoàn viên, vì một năm công việc quá nhiều mệt mỏi, bon chen. Vì vậy làm cuốn Sách Tết để độc giả hôm nay được toát lên không khí Tết ngày xưa. Cuốn sách hướng đến độc giả trẻ, để họ thấy cha ông mình Tết ngày xưa thế nào. Đây là mục đích lớn nhất.
Hà Anh