Giỏ hàng của bạn

Ra mắt tủ sách Văn chương & Mỹ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 11.12.2021 vừa qua, Công ty CP Văn hóa Đông A đã tổ chức buổi Ra mắt tủ sách Văn chương & Mỹ thuật và giới thiệu 2 ấn phẩm đầu tiên trong tủ sách là Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng và Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng. Sự kiện có sự tham gia của nhà báo Phương Huyền trong vai trò người dẫn chương trình, PGS.TS Văn học Võ Văn Nhơn, trường ĐH KHXH&NV TP. HCM, Phụ trách Biên tập Đạt Nhân đại diện Đông A, và họa sĩ Duy Hưng (họa sĩ minh họa cuốn Thương nhớ mười hai), cùng các phóng viên, nhà báo, bạn đọc quan tâm.

 

Trong sự kiện, các khách mời và bạn đọc đã cùng trao đổi về những nội dung xoay quanh tủ sách mới này.

Tiêu chí của tủ sách Văn chương & Mỹ thuật

Những năm qua, các tác phẩm văn học Việt Nam vẫn thường được các nhà xuất bản in ấn, tái bản, nhưng những tác phẩm lớn lại chưa thực sự có một ấn bản được đầu tư đúng mức về minh họa. Xuất phát từ thực tế đó, tủ sách Văn chương & Mỹ thuật ra đời với mong muốn đưa đến tay bạn đọc các ấn phẩm trang nhã, đẹp về hình thức và chỉn chu về nội dung, đem đến những cảm xúc tươi mới hơn khi đọc lại những tác phẩm tưởng như đã cũ.

 

Đại diện bộ phận Biên tập của Đông A cho biết, Đông A ưu tiên lựa chọn đưa vào tủ sách những tác phẩm đã ghi dấu ấn trong lòng độc giả Việt Nam, cố gắng hoàn nguyên bản in đầu, với mong muốn độc giả sẽ có thêm góc nhìn, nhất là khi nhiều tác phẩm đã qua chỉnh sửa trong thời gian sau này.

 

Về minh họa, Đông A lựa chọn họa sĩ minh họa dựa trên tinh thần của tác phẩm. Mỗi tác phẩm sẽ do một họa sĩ khác nhau thực hiện, với tiêu chí trước hết là phù hợp nội dung sách. Những giá trị thẩm mỹ mà hội họa mang đến khi song hành cùng văn học sẽ mở ra những cung bậc cảm xúc mới mẻ cho độc giả.

 

Ở hai cuốn sách đầu tiên ra mắt lần này, minh họa cho cuốn Thương nhớ mười hai được thực hiện bởi họa sĩ trẻ Duy Hưng, lấy cảm hứng từ tranh lụa Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX của các danh họa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ… Minh họa cho cuốn Bỉ vỏ do họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ (con trai của nhà thơ Hoàng Trung Thông) thể hiện. Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẽ các bức minh họa cho tác phẩm Bỉ vỏ không chỉ từ cảm nhận cá nhân với tác phẩm, mà còn từ những ký ức sống động về nhà văn Nguyên Hồng - một người bạn của cha ông, vẫn thường ghé thăm nhà.

 

Đây không phải lần đầu tiên Đông A tổ chức làm minh họa mới cho các danh tác văn học trước 1945. Trước khi chính thức ra mắt tủ sách Văn chương & Mỹ thuật, Đông A đã từng thử nghiệm với 2 ấn phẩm là Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và Người kép già của Kim Lân, trong đó tiểu thuyết Số đỏ với phong cách trào phúng được minh họa bởi họa sĩ Thành Phong, hay Người kép già được chính con trai của nhà văn Kim Lân - họa sĩ Thành Chương, minh họa. Hai ấn phẩm này cũng đã nhận được sự ủng hộ từ bạn đọc.

 

Trong tương lai, tủ sách sẽ giới thiệu đến độc giả nhiều ấn phẩm giá trị khác, trước hết ưu tiên các tác phẩm văn học trong nước, trong đó có thể sẽ có những tác phẩm vắng bóng đã lâu trên thị trường xuất bản, như tác phẩm Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật. Đây là một tác phẩm có không khí lịch sử, vì vậy Đông A mời họa sĩ Tạ Huy Long phụ trách minh họa. Họa sĩ Tạ Huy Long đã nổi tiếng với các bức tranh mang màu sắc lịch sử, dân tộc, được bạn đọc và người yêu nghệ thuật mến mộ.

 

Sự kết hợp đáng hoan nghênh

 

Nói về 2 ấn phẩm ra mắt lần này và Tủ sách Văn chương & Mỹ thuật nói chung, PGS.TS Văn học Võ Văn Nhơn cho rằng, những cuốn sách văn học đẹp, được đầu tư về mình họa rất đáng hoan nghênh.

 

Việc làm minh họa cho tác phẩm văn học không phải là quá mới. Những năm đầu thế kỷ XX, ở miền Nam, Phan Yên ngoại sử - Tiết phụ gian truân (1910) của Trương Duy Toản được mệnh danh là “cuốn tiểu thuyết có hình đầu tiên ở Nam Bộ”, và có lẽ cũng là đầu tiên ở Việt Nam. Xuất hiện gần như cùng thời gian đó là tác phẩm Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Chánh Chiếu. Cả hai tác phẩm này được minh họa bởi Nguyễn Trọng Quản, tác giả của Thầy Lazaro Phiền - tác phẩm được coi là tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam. Có những tác phẩm được minh họa nhiều lần bởi các họa sĩ nổi tiếng, như họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân, Phan Cẩm Thượng, Thành Chương… minh họa Truyện Kiều. Những ấn phẩm đẹp, nội dung chỉn chu, với minh họa của các họa sĩ trong tủ sách Văn chương & Nghệ thuật sẽ là một sự tiếp nối dòng chảy của lịch sử.

 

PGS.TS Văn học Võ Văn Nhơn nhận xét, ngày nay, văn hóa đọc đang bị lấn át bởi các phương tiện điện tử, nhưng với sự xuất hiện của các ấn phẩm như Thương nhớ mười haiBỉ vỏ lần này, sách in sẽ ít nhiều khơi gợi hứng thú ở người đọc. Đọc sách là việc có thể làm trên bất cứ phương tiện nào, nhưng cầm trên tay một ấn bản chỉn chu, có minh họa đẹp, vẫn luôn đem đến cho người đọc sách những cảm xúc riêng. Đồng thời, khi lưu giữ sách, chúng ta cũng lưu giữ những kỷ niệm đẹp cho mai sau.

 

Sau cùng, độc giả là người được lợi.

 

Chia sẻ về việc, liệu sự chỉn chu trong biên tập, kết hợp với yêu cầu cao về minh họa, thiết kế, và chất lượng in ấn, có đang đẩy giá sách của Đông A lên cao so với mặt bằng chung, Đại diện Biên tập Đạt Nhân của Đông A nói: “Hiện nay, sách đang bị định giá quá rẻ so với giá trị, mà vẫn ít người mua. Các ấn phẩm của Đông A đôi khi có giá cao hơn một chút so với mặt bằng, nhưng đổi lại, sách được làm công phu, đảm bảo cả về nội dung và hình thức, từ khâu biên tập, minh họa, đến thiết kế, in ấn… Cuốn sách đến tay người đọc là ấn phẩm chất lượng cao. Hơn nữa, nhìn ngược lại, Đông A dành sự đầu tư rất lớn cho tất cả các công đoạn làm sách, điều đó cũng có nghĩa là những người cộng tác với Đông A được nhận phần xứng đáng với công việc của họ. Người làm sách sống được với nghề sẽ có sự đầu tư tương xứng vào công việc, các ấn phẩm ra mắt ngày càng tốt hơn, sau cùng, độc giả vẫn là người nhận được lợi ích.”

Cũng trong sự kiện, các khách mời và bạn đọc đã cùng giao lưu, chia sẻ và trả lời một số câu hỏi vui liên quan đến nội dung hai ấn phẩm mới.

 

Danh mục tin tức

Từ khóa