Giỏ hàng của bạn

[Bạn đọc cảm nhận] Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung)

©️ Bài viết và hình ảnh của bạn Triệu Ngọc Minh Châu.

TAM QUỐC DIỄN NGHĨA - MỘT TIỂU THUYẾT ĐA DIỆN

Tôi có cơ duyên biết đến Tam Quốc qua quyển truyện tranh Tam Quốc diễn nghĩa của ba tôi. Ngày ấy bìa in hình ông râu dài, cầm đao uy nghiêm cưỡi con ngựa đỏ khiến một đứa trẻ như tôi cảm thấy rất kích thích. Lần giở những trang truyện, lúc ấy trí nhớ của tôi cũng chỉ đọng lại những cảnh kịch tính như Tam Anh chiến Lữ Bố, Ngũ hổ tướng của Lưu Bị và ghét cay ghét đắng Tào Tháo. Tôi phục lăn Gia Cát Lượng về màn đấu trí trên chiến trường và quan trọng là do tuổi nhỏ tôi chả biết sự sống cái chết trên chiến trường khốc liệt như thế nào, có lẽ do ảnh hưởng phim Năm anh em siêu nhân nên trí não tôi mặc định cái chết cũng đơn giản là những màn nằm xuống, nổ đùng đùng và đem đến thắng lợi cho người còn đứng lại sau cùng thôi.

Tuy nhiên, càng lớn, những sự kích thích ấy dần dà dẫn dắt tôi đến việc tìm tòi lịch sử, cả sử ta lẫn sử Tàu, tôi lần nữa giở quyển truyện tranh ấy ra xem lại lần nữa. Vẫn những gương mặt cũ, những chiến công vang dội, và những thất bại nằm lại bên cạnh những chiến công ấy. Nhưng lần này đã định hình được trong đầu các tướng ấy thuộc về bên nước nào, chúa công họ là ai, tôi dần dà vẽ lại trong đầu thế chân vạc mà Gia Cát tiên sinh đã đề cập đến trong Long Trung đối sách. Nhưng cơ hồ vẫn chỉ đam mê những màn đấu võ là chính còn về chính trị tôi không mấy bận tâm.

Đến khi bước lên giảng đường Đại học, tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng khác nhau, tôi một lần nữa tìm đến Tam Quốc diễn nghĩa nhưng với phiên bản truyện chữ. Tôi đọc ngấu nghiến từng con chữ, những chiến dịch dần dần được xây dựng lại trong đầu, đối trọng giữa các bên. Các quân sư kiêm chiến lược gia là nhân vật được tôi chú ý nhiều nhất trong phiên bản truyện chữ. Nào Từ Thứ, Quách Gia, Bàng Thống, Gia Cát Lượng, Chu Du, Tuân Úc, Tư Mã Ý đều nổi bật lên qua những kế sách, những chiến lược vạch ra trong cuộc chiến ba nhà Ngụy - Thục - Ngô. Dẫu kết cục đã được định trước nhưng sự thông minh tài trí trong việc điều binh khiển tướng của họ đã khiến niềm hứng khởi trong tôi nâng lên gấp bội.

Những lần đọc lại sau, tôi đọc chậm lại để tìm ra những điều khác lạ trong tác phẩm của La Quán Trung. Tôi cố gắng tìm tòi về binh pháp, cách bố trận, nguyên nhân thành công, thất bại trong mỗi trận chiến và đối chứng với sử liệu. Từ ngày mặc định Tam Quốc là tiểu thuyết, tôi tránh bàn luận một phía và chỉ trích dẫn một nguồn khi tranh biện với các bạn của tôi. Tất nhiên khi dựa trên căn cứ sử liệu khó tránh khỏi việc hụt hẫng về những hình tượng lẫy lừng, những chiến công La gia gán ghép vượt trội cho các tướng nhà Thục mà điển hình là Quan Vũ, từ đó mở rộng ra việc tìm hiểu lý do vì sao khởi đầu từ một vị tướng, Quan Vũ lại được thờ phụng như một vị Phật, một vị thánh trong các đền chùa miếu mạo. Ngoài ra, từ việc thắc mắc lý do vì sao họ La luôn gán ghép Tào Tháo là một tay gian hùng nhưng bên cạnh ông là hàng tá các tướng tài không thua gì các vị tướng Thục được La gia dày công điểm xuyết. Và còn hằng hà sa số các góc cạnh để độc giả từ từ tìm hiểu khi đọc Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Tựu trung lại, qua từng thời điểm đọc Tam quốc diễn nghĩa, góc nhìn của độc giả sẽ được mở rộng ra nhiều phương diện, từ cách xây dựng hình tượng nhân vật, chính trị, tôn giáo, binh pháp đến việc tránh lầm lẫn sự thực lịch sử với diễn cảnh trong truyện. Đọc để biết lý do vì sao Tam quốc diễn nghĩa được xếp vào hàng tứ đại danh tác của Trung Quốc và để biết lẽ đúng sai, cách đối nhân xử thế của người xưa, từ đó đối chứng và có cách suy nghĩ thấu đáo hơn với đời sống hiện tại vì lẽ không có kiến thức nào về luân lý là cũ cả. Riêng tôi, có lẽ với những lần đọc sau, hẳn tôi sẽ tìm thêm được những khía cạnh thú vị từ tác phẩm này.

Danh mục tin tức

Từ khóa