[Bạn đọc cảm nhận] Những người khốn khổ (Victor Hugo)
"... Ở đâu cũng có những con người khốn khổ, nhưng có một tâm hồn đẹp, có trái tim lương thiện."
©️ Bài viết và hình ảnh của bạn Nguyễn Hưng Giang.
“Khi pháp luật và phong hóa còn đày đọa con người, còn dựng nên những địa ngục giữ xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm, chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi, và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đói khổ còn tồn tại, thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích”. Đó là lời mà Victor Hugo nói đến bộ truyện lớn nhất, cũng như là tác phẩm có giá trị nhất trong sự nghiệp văn chương của ông. Ông đã suy nghĩ, viết nó trong ngót ba mươi năm, và hoàn thành vào năm 1861. Nó đã trở thành một thiên sử anh hùng ca bất hủ của nhân loại, biết bao thế hệ đã yêu mến cuốn sách này, và khi đến lượt tôi, thế hệ trẻ 10X, khi tiếp cận vẫn cảm nhận được cái hay của nó.
Trong kiệt tác, ông lấy Jean Valjean - một tên tù khổ sai làm nhân vật chính, bởi ông nhận thấy rằng, những kẻ tội phạm, những con người sa đọa về tinh thần tựu chung, cũng chi là nạn nhân của xã hội tàn ác thời bấy giờ. Jean Valjean, một con người chăm chỉ, có tình thương bao la với gia đình, chỉ vì thương các cháu của mình, con của chị gái, bị đói, mà trộm lấy một mẩu bánh mì. Người ta bắt được Valjean, cho rằng ông là một tên tội phạm nguy hiểm, cuối cùng bỏ tù ông đến 19 năm tất cả. Một xã hội tưởng chừng nghiêm khắc, nhưng thực ra là chẳng có tình người. Sau khi ra tù, Jean Valjean được vị giám mục Myriel đầy tình thương và lòng nhân từ khai sáng, Jean Valjean giấu đi quá khứ của mình, trở thành ông thị trưởng Madelein đáng kính. Ông đã cứu rỗi Fantine đáng thương, khi cô vì tình yêu mù quáng mà đánh mất bản thân, vì đói khổ mà đánh mất tự trọng. Cô có một đứa con tên Cossette, cô gửi nó cho nhà Thénardier để trông nom hộ, mà đến lúc nhắm mắt, vẫn không được gặp lại con mình bởi cái gia đình tham lam độc ác kia. Đồng cảm với số phận của Fantine, nhưng lại bị lộ ra thân phận, Jean Valjean đã bỏ trốn, trả tiền cho nhà Thénardier độc ác để cứu lấy Cossette đáng thương, cũng là để giữ lời hứa với Fantine, rồi trốn vào một nhà tu kín. Javert - một tên cảnh sát không bao giờ làm điều sai trái, không có quyền khám xét nhà tu ấy, Jean Valjean tạm thời an toàn.
Truyện được lồng ghép trong bối cảnh lịch sử của 9 năm sau cái chết của tướng Lamarque, người duy nhất trong giới lãnh đạo Pháp có cảm tình với giai cấp lao động, một cuộc cách mạng vào đêm mùng năm, rạng sáng mùng 6 tháng 6 năm 1832 do nhóm sinh viên đứng đầu là Enjolra lãnh đạo có sự tham gia của những người khốn khổ đã diễn ra. Đặc biệt trong đó có cậu bé Gavroche lang thang, có Marius-một sinh viên bị gia đình xa lánh vì quan điểm tự do của mình và anh đã trót yêu Cossette, con gái của Fantine, và là con gái nuôi của Jean Valjean. Khi con gái của Thérnardier là Éponine cũng yêu Marius trong vô vọng, cô đã giúp họ rời khỏi nơi mà gia đình mình hứa hẹn nộp Valjean cho thanh tra độc ác Javert. Sau này, cô đứng vào hàng ngũ những người khởi nghĩa và chết trong vòng tay Marius khi hứng một viên đạn thay anh. Khi ấy, có vẻ như những sự độc ác đã tan biến hết, nhờ vào tình yêu nồng cháy, dù chỉ là đơn phương. Con người ta có thể trở về với bản tính lương thiện vốn có của mình, nhờ sự chỉ dắt của tình yêu.
Những ngày sau khi cuộc cách mạng nổ ra, những sinh viên bắt đầu thiết lập những thành lũy chiến đấu, có khả năng tự vệ ở mọi ngóc ngách. Javert ngụy trang vào hàng ngũ sinh viên và bị Gavroche nhanh chóng phát hiện. Chính Valjean biết tình yêu của Cossette dành cho Marius nên vì bảo vệ họ, ông cũng tham gia cuộc cách mạng. Ông coi Cossette là tất cả, “như ánh sáng, như nhà ở, như gia đình, như tổ quốc, như thiên đường của mình”. Ông “yêu Cossette như con, ông yêu nàng như mẹ và ông yêu nàng như em gái”. Tình yêu giữa những con người khốn khổ ấy cao cả, thiêng liêng vô cùng. Thậm chí, ông còn “lấy ơn trả oán” xin tha cho Javert và cứu sống kẻ từng đẩy ông vào sự khốn khổ vô bờ của việc chạy trốn. Sau cùng, Javert nhận ra ông đang bị mắc kẹt giữa niềm tin vào luật pháp và lòng tốt của con người và nhảy xuống sông Seine tự vẫn. Trước lễ cưới của Marius và Cossette, Valjean đã kể cho Marius về quá khứ tội lỗi của mình và bỏ đi không một ai hay biết. Đến tận khi Valjean hấp hối, Marius mới nhận ra lòng tốt thật sự ông và Valjean qua đời trong nỗi niềm hạnh phúc khi nói hết cõi lòng mình, một tình yêu thương dạt dào dành cho Cossette và Marius.
Jean Valjean chính là một vị thánh, vì thứ pháp luật văn minh nhưng vô nhân đạo kia mà khoác lên mình chiếc áo tên “tù khổ sai”, nhưng cuộc đời khốn khổ của ông vẫn cứu rỗi được biết bao mảnh đời khốn khổ khác. Victor Hugo đã nói: “Bất hạnh tạo ra con người, giàu sang làm nên quái vật” quả không sai. “Những người khốn khổ” xen lẫn với yếu tố lịch sử Pháp thời bấy giờ, giúp người đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh, để biết được những người thuộc “tầng dưới của xã hội” có những cuộc sống khốn khổ nhường nào. Ta thấy được những Chí Phèo, Thị Nở, Thúy Kiều trong văn học Việt Nam hiện ra nơi đất Pháp, để thấy được ở đâu cũng có những con người khốn khổ, nhưng có một tâm hồn đẹp, có trái tim lương thiện. Xã hội, định kiến, chính là thứ mà đẩy con người ta vào con đường cùng, giống chị Fantine, hay là anh Chí Phèo vậy. Nhưng những tâm hồn đẹp, thì dù có khốn khổ, nó vẫn luôn tỏa sáng.