Giỏ hàng của bạn

[Bạn đọc cảm nhận] Những người khốn khổ (Victor Hugo)

©️ Bài viết và hình ảnh của bạn Ngô Thị Uyên.

"Không có cỏ dại, cũng như không có người xấu. Chỉ có những người không biết trồng trọt chăm nom mà thôi."

Victor Hugo đã mở ra cho toàn nhân loại bức chân dung sống động của nước Pháp với bề nổi là sự xa hoa mĩ lệ của Paris và bề chìm là những ngóc ngách tối tăm, những đường hầm dơ dáy và những tầng đáy bẩn thỉu của xã hội. Paris hiện lên một cách chân thực và đẹp đẽ. Trái tim của Paris là lương tâm của những kẻ bần cùng đang thổn thức, thứ âm thanh vang lên trong Paris là tiếng rên rỉ của những con người bị xiềng xích, hoạt động của Paris là những âm mưu, những cuộc chiến ngầm giữa con người cùng khổ và các thế lực đối địch, và linh hồn Paris là lòng thương yêu. Mặc cho bề sâu nổi sóng dữ dội như mạch nước ngầm, bề mặt Paris vẫn yên bình, phẳng lặng, tựa như không bao giờ gục ngã.

"Những người khốn khổ", họ là những ai?

Là những người ở tận đáy xã hội. Họ chưa bao giờ nếm mùi vị của no đủ, hạnh phúc, sung sướng; chưa bao giờ có quyền lên tiếng nói; chưa bao giờ đặt chân lên ánh sáng của chân lý. Cái gì đã đè lên họ, đẩy họ xuống vực thẳm sâu nhất của thế giới loài người? Nghèo đói, sự tham lam, lòng hận thù, quyền lực, tiền bạc.

Suy cho cùng, những gì họ phải chịu đựng đều do đói nghèo cả.

Jean Vajean "vào tù từ năm 1796 mà mãi đến tháng 10 năm 1815, anh mới được thả ra. Như thế chỉ vì anh đập một miếng kính và lấy một cái bánh mì". Thế sao anh lại ăn trộm của người ta? Tại số phận. Một anh thợ xén cây phải nuôi người chị đã goá chồng với bảy đứa trẻ. Jean Vajean không hề được lựa chọn, anh buộc phải làm thế.

Fantine, một thiếu nữ tóc vàng óng ả như mặt trời đã hiến thân hoàn toàn cho mối tình đầu. Khi hắn ta bỏ nàng ở lại với một đứa con, kiếp sống túng quẫn khiến nàng vô cùng khổ sở. Vì yêu thương con, nàng nhịn ăn, nhịn mặc, bán tóc, bán răng, bán thân.

Vợ chồng Thénardier vốn là những kẻ vô nhân tính, con quỷ mưu mô đội lốt người. Và nghèo đói càng khiến chúng dã tâm hơn, đốn mạt hơn, bán cả 2 đứa con trai không thương tiếc, một đứa khác thì cầu bất cầu bơ.

Ngay cả ông G., người đã đem đến thứ ánh sáng khác lạ trong cuộc đời Đức giám mục Myriel cũng là một con người khốn khổ. Một con người 60 tuổi vẫn nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cầm đầu ngân khố nhà nước nhưng vẫn ăn cơm mỗi bữa 25 xu, người đã xé khăn phủ bàn thờ Chúa để băng bó những vết thương của Tổ quốc. Vậy mà xã hội nhỏ bé Digne nói đến ông một cách ghê tởm vì "nguyên là một tay có chân trong viện Quốc ước", "chính tay hắn không bỏ phiếu giết vua nhưng cũng gần như thế". Cuộc đời già nua của ông sống trong một túp lều nghèo nàn cùng một chú bé mục đồng.

Em tưởng rằng mình vẫn nghe được tiếng khóc nức nở của Jean Vajean, "yếu đuối hơn đàn bà và sợ hãi hơn trẻ con" khi cướp đồng 40 xu của bé Gervais. Em còn cảm nhận được sự nơm nớp lo sợ của Cosette khi bóng đêm ghê rợn nhà Thénardier đe dọa em. Em nhìn thấy cả nụ cười méo xệch của Fantine trong bộ dạng một gái điếm khi mái tóc vàng óng của nàng bị cắt trụi, hai chiếc răng cửa đẹp như ngọc của nàng bị nhổ đi. Em đọc được những day dứt, hối hận của Marius khi nghi kị người cha của mình để rồi không được trông thấy ông trước những giờ khắc cuối cùng của cuộc đời. Em sợ hãi nỗi thất vọng điên cuồng của Javert khi đi săn để vuột mất con mồi. Em thấy cả sự tiếc nuối dứt ruột khi cụ Mabeuf lần lượt từ bỏ những cuốn sách quý hiếm của mình vì bữa cơm ăn. Văng vẳng bên tai em còn là giọng hát của Éponine, người đã yêu hết mình, hy sinh hết mình mà hoài công vô ích.

"Ở nhà tu kín người ta chịu đựng đau khổ để hưởng thụ, người ta kí một hối phiếu về cái chết. Người ta chiết khấu ánh sáng trên thiên đường bằng đêm tối dưới mặt đất. Ở nhà tu ta chịu đựng địa ngục để được lên thiên đường."

Em hỏi rằng thiên đường có hay không khi người ta đã chịu quá nhiều bất hạnh như thế. Không nói đến việc ai là kẻ tốt, ai là kẻ xấu. Những nhân vật của Victor Hugo, ai cũng xứng đáng được lên thiên đường bởi kiếp sống địa ngục ở trần thế đã đày đoạ họ quá nhiều. Thiên đường là nơi để cải tạo họ, ban cho họ một cuộc sống sung sướng, đối lập với màu đen u ám của tầng hầm tăm tối.

Thiên đường có hay không?

Em không biết khi chết đi, họ có lên được Thiên đàng? Nhưng chí ít, Hugo đã để những người khốn khổ nhìn thấy ánh sáng khi họ còn sống. Nguồn sáng của Jean Vajean là Cosette, ông được yêu thương, được nếm trải tình yêu, được sống những tháng ngày hạnh phúc nhất. Tuổi thơ bất hạnh của Cosette đã được trả giá bằng hai người đàn ông đã cứu rỗi cuộc đời em: Jean Vajean và Marius. Cụ Mabeuf tìm thấy lẽ sống cao cả của mình trong khởi nghĩa, cụ dựng lên lá cờ Tổ quốc, để khi hy sinh được kính trọng, ngưỡng mộ như một vị anh hùng vĩ đại. Javert, kẻ lấy công lí, pháp luật là mục đích sống dù từ bỏ con mồi của mình, phát điên đến tự vẫn nhưng đã được một lần nhìn thấy lòng yêu thương và vị tha. Éponine dù nàng phải chết đi cũng được chết trong vòng tay người nàng yêu thương, được hôn lên vầng trán lạnh lẽo. Thậm chí cả Thénardier sau khi hưởng một số tiền lớn, liền cao chạy xa bay sang Châu Mỹ, tiếp tục sống một cuộc đời khốn nạn.

Dưới ngòi bút của mình, đại văn hào Victor Hugo đã biến những con người bình thường, giản dị trở thành những biểu tượng, linh hồn vĩ đại, tiểu thuyết "Những người khốn khổ" trở thành kiệt tác của nhân loại.

Danh mục tin tức

Từ khóa